Không biết rượu nhãn Bạc Liêu có từ bao giờ, nhưng theo những người cao niên địa phương thì cư dân biển nhãn - đất giồng đã biết ngâm rượu nhãn để thưởng thức trong những dịp hội hè, đình đám từ lâu lắm. Có lẽ, rượu nhãn là điều mà cư dân đất giồng nghĩ đến khi những lứa nhãn đầu tiên chín rộ… và điều này cũng đồng nghĩa với rượu nhãn đã tồn tại ở Bạc Liêu ngót nghét gần thế kỷ qua.
Đến Bạc Liêu, ghé thăm “biển nhãn” với hơn 1.000 cây nhãn cổ có tuổi thọ trên 100 năm mà du khách quên việc thưởng thức rượu nhãn sẽ là một thiếu sót đáng tiếc. Ngồi dưới bóng mát của những tán nhãn cổ thụ có vóc dáng đẹp, du khách thỏa sức thả trí tưởng tượng của mình bay bổng theo những gốc nhãn có hình dáng kỳ thú, lắng nghe tiếng chim ríu rít quanh những chùm nhãn chín thơm lừng… để cảm nhận chút tĩnh tại giữa nhịp sống xô bồ, tất bật. Đối với những du khách trẻ tuổi, họ thích leo trèo, tự tay mình hái và thưởng thức những chùm nhãn chín ngay tại cây, đó cũng là cái thú khi đến thăm giồng nhãn. Nhưng với những du khách có tuổi, họ lại thích quây quần cùng anh em, gia đình thưởng thức món bánh xèo trứ danh, nhâm nhi ly rượu nhãn thơm nồng dưới những gốc nhãn chín rộ, khi hứng chí thì ngân nga vài câu vọng cổ để hoài vọng về quá khứ, để nhắc nhớ lịch sử khẩn hoang mở đất của cha ông.
Đến Bạc Liêu, ghé thăm “biển nhãn” với hơn 1.000 cây nhãn cổ có tuổi thọ trên 100 năm mà du khách quên việc thưởng thức rượu nhãn sẽ là một thiếu sót đáng tiếc. Ngồi dưới bóng mát của những tán nhãn cổ thụ có vóc dáng đẹp, du khách thỏa sức thả trí tưởng tượng của mình bay bổng theo những gốc nhãn có hình dáng kỳ thú, lắng nghe tiếng chim ríu rít quanh những chùm nhãn chín thơm lừng… để cảm nhận chút tĩnh tại giữa nhịp sống xô bồ, tất bật. Đối với những du khách trẻ tuổi, họ thích leo trèo, tự tay mình hái và thưởng thức những chùm nhãn chín ngay tại cây, đó cũng là cái thú khi đến thăm giồng nhãn. Nhưng với những du khách có tuổi, họ lại thích quây quần cùng anh em, gia đình thưởng thức món bánh xèo trứ danh, nhâm nhi ly rượu nhãn thơm nồng dưới những gốc nhãn chín rộ, khi hứng chí thì ngân nga vài câu vọng cổ để hoài vọng về quá khứ, để nhắc nhớ lịch sử khẩn hoang mở đất của cha ông.
Chị Quách Thị Lý giới thiệu quy trình ngâm rượu nhãn. Ảnh: K.C |
Có lẽ, vì thế mà rượu nhãn đã trở thành một phần không thể thiếu của du khách trong những chuyến hành trình về đây. Cái hương vị ngọt ngào, cay nhẹ nơi đầu lưỡi thơm thơm mùi nhãn chín hòa quyện với màu nâu đỏ phơn phớt như đôi môi người thiếu nữ đang xuân… đã làm ngất ngây bao cõi lòng lữ khách. Chẳng biết có quá lời khi nói rằng rượu nhãn nên được thưởng thức tại vườn nhãn đang chín rộ mùa thì hương vị sẽ đậm đà, quyến rũ hơn. Song, đó lại là cảm nhận không hề chủ quan của cá nhân mà lại là cảm nhận chung của nhiều thực khách. Nếu đã một lần thử qua rượu nhãn thì chắc rằng khó ai có thể nào quên, chính cái hương vị nồng nàn đó đã thúc giục bước chân du khách nhanh chân tìm về với khu giồng nhãn.
Có rất nhiều cách để pha chế rượu nhãn nhưng theo công thức chung cứ 1kg nhãn sẽ được ngâm với 1 lít rượu (rượu gốc chưa pha chế). Nghe qua tưởng như đơn giản, nhưng thực chất để có được rượu nhãn ngon là cả một quá trình. Nhãn được hái từ cây xuống phải còn nguyên, lặt hết cuống, rửa sạch, sấy khô rồi tiến hành ngâm theo công thức vừa nêu. Sau đó, cho tất cả vào kiệu lớn dùng nắp đậy lại và dùng băng keo dán chặt quanh nắp để mùi rượu không bốc hơi được. Lưu ý, nhãn phải được chọn kỹ, vì nếu có một trái hư cũng có thể làm hỏng cả một kiệu rượu lớn. Rượu nhãn được ngâm từ 1 năm trở lên mới dùng được và hạn dùng từ 1 - 3 năm là ngon nhất, còn nếu để lâu hơn rượu nhãn sẽ mất hương thơm đặc trưng. Có một điều thú vị là chỉ có trái của những cây nhãn cổ mới có thể pha chế được rượu nhãn đạt đến đỉnh cao hương vị.
Nhiều người chỉ biết thưởng thức rượu nhãn nhưng lại không biết nơi nào bán rượu nhãn mới là địa chỉ đáng tin cậy. Là một nghề gia truyền bao đời của gia đình, đến đời chị Quách Thị Lý (ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành) thì rượu nhãn được nâng lên thành thương hiệu. Đây được xem là “địa chỉ” mà chỉ những ai “sành” uống rượu nhãn mới biết được. Chị đã mạnh dạn đăng ký sở hữu trí tuệ với thương hiệu “Rượu nhãn Bạc Liêu Yến Nghi” năm 1997, nhưng đến giờ thương hiệu trên vẫn chưa được nhiều thực khách biết đến. Tuy chất lượng rượu tuyệt vời nhưng mẫu mã sản phẩm thì cần phải xem lại. Bởi lẽ, nếu dùng tại chỗ thì được, nhưng nếu làm quà để biếu người thân, bạn bè sau một chuyến đi xa thì có lẽ không mấy người dám mua để làm quà tặng. Mỗi chai rượu nhãn với thể tích 1 lít được bán với giá rất mềm (60 ngàn đồng), nhưng nếu không hiểu, du khách cứ tưởng chủ quán bán… “nước mắm”?!
Theo chị Lý: “Chúng tôi cũng muốn sản phẩm đặc biệt của Bạc Liêu không chỉ được biết đến trong vùng, mà còn được nhiều tỉnh bạn ưa chuộng. Nhưng để có được mẫu mã sản phẩm đẹp, chúng tôi phải đầu tư khoảng một trăm triệu đồng, trong khi đó mỗi lít rượu nhãn bán ra chúng tôi chỉ lãi khoảng 10 ngàn đồng sau một năm đầu tư ngâm rượu thì biết đến bao giờ mới hoàn lại vốn”. Tuy đã có thương hiệu, nhưng chị lại kinh doanh theo kiểu nhỏ lẻ, còn mang tính thủ công và vẫn rất “rụt rè” khi chưa dám mạnh dạn đầu tư vào mẫu mã thương hiệu. Chị cho rằng, những hộ dân xung quanh cũng ngâm và bán rượu nhãn, đôi khi còn bán cao hơn nhưng chất lượng lại kém xa rượu của chị. Song, chỉ buồn một nỗi là thực khách không phân biệt được giá trị thực của rượu; và còn buồn hơn khi nhiều thực khách uống lầm rượu lại bảo rượu nhãn chẳng có gì ngon như lời đồn.
Thiết nghĩ, nếu chị Lý mạnh dạn trong việc phát triển thương hiệu và mở rộng quy mô sản xuất rượu nhãn thì không chỉ giải quyết được việc làm cho số lao động nhàn rỗi của địa phương, mà còn có thể bao tiêu được toàn bộ số lượng nhãn cổ khi vào mùa thu hoạch, giúp các nhà vườn thiết tha giữ lại nhãn cổ. Và quan trọng hơn hết là góp phần đáng kể vào sự thành công của đề án “Bảo tồn nhãn cổ Bạc Liêu gắn với phát triển du lịch” và tạo ra một sản phẩm du lịch đặc trưng cho vùng đất Bạc Liêu.
KIM CHÚC
Comments
Post a Comment