Mùa thu có lẽ là mùa đẹp nhất trong cả bốn mùa, vì mùa thu là tiếng nói của điệu buồn. Đã có quá nhiều thơ và nhạc nói đến mùa thu. Câu thơ được truyền tụng thiên cổ của Vương Bột vẫn mãi sáng ngời trong cõi Đường thi: “Lạc hà dữ cô vụ tề phi/ Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc” (Ráng chiều trôi theo cánh cò cô lẻ/ Màu nước thu xen lẫn với màu trời).
Hai câu thơ đẹp như một bức tranh thủy mạc. Chúng ta có thể thấy được hình ảnh một cánh cò cô lẻ bay trong ánh nắng chiều hôm, giữa cánh đồng mênh mông Nam Bộ; nhưng biết tìm đâu ra một dòng sông thu giữa miền Nam quanh năm chỉ có hai mùa mưa nắng? Sống ở miền Nam, nhất là ở giữa Sài Gòn, lòng người vẫn cứ nhớ thương hoài một cơn gió mùa đông, hay một cơn gió se lạnh của một ngày thu muộn.
Sống giữa lòng phố thị, đôi khi nhớ đến mùa thu xưa cũ, tôi vẫn luôn thích những câu thơ buồn thiết tha trong bài Thu ca (Chanson d'automne) của Paul Verlaine: “Les sanglots longs/Des violons/ De l'automne/ Blessent mon coeur/ D'une langueur/ Monotone” (Điệu vĩ cầm mùa thu/ Buồn như tiếng thở dài/ Khiến hồn tôi rướm máu/ Trong nỗi nhớ tàn phai).
Giữa Sài Gòn, dù không sao nhìn thấy được cảnh vật mùa thu, nhưng chúng ta vẫn có thể tưởng tượng được mùa thu qua một giai điệu vĩ cầm, trong một căn phòng yên tĩnh. Nhất là khi ngoài hiên chợt có một cơn mưa chiều đổ nhẹ. Ở thành phố lớn, nơi mà ngay cả vầng trăng cũng trở nên lạc lõng giữa những tòa nhà cao tầng, con người gần như bị cắt đứt hẳn với thiên nhiên. Thế nên người ta phải bày ra non bộ để làm thành sơn thủy, treo tranh tứ bình để tìm lại bốn mùa. Đó có lẽ cũng là cách nuôi dưỡng tinh thần để tâm hồn bớt đi sự chai sạn trước những khô cằn của cuộc sống thường ngày.
Nhưng lại có người không muốn tìm mùa thu qua tranh thủy mạc, qua tiếng vĩ cầm, mà tìm qua một loại rượu đặc trưng của tiết Trùng Dương: Hoàng hoa tửu! Đó là chủ quán trà Hiện quán. Ý của chủ nhân như muốn tìm lại một chút không khí Đường thi giữa chốn nắng bụi của Sài Gòn.
Thu ẩm Hoàng hoa tửu
Đông ngâm Bạch tuyết thi.
Ở Sài Gòn, không thể ngâm thơ bạch tuyết để nhớ mùa đông, nhưng có thể uống rượu Hoàng hoa uống để nhớ mùa thu cũ. Tôi đã đôi lần cùng bè bạn uống rượu Hoàng hoa với chủ quán trà Hiện quán. Là quán trà theo cung cách trà đạo, nhưng chúng tôi luôn được đãi loại rượu Hoàng hoa được chế biến rất công phu. Và lần nào chúng tôi cũng có những niềm vui thống ẩm cuồng ca, với một cây guitar cùng những giai điệu một thời vang bóng. Trong gian trà thất nho nhỏ ở một góc phố Trần Huy Liệu, nơi mà mọi sự xô bồ huyên náo đã bị chắn lại bởi một rèm trúc thưa, tay nâng chén rượu sóng sánh màu vàng hổ phách, dưới đáy chén là một đóa tiểu cúc vàng, ta vẫn có thể cảm nhận được hương vị mùa thu đang lắng chìm vào trong chén rượu. Vì màu vàng của hoa cúc, vì hương thơm nồng của rượu. Lúc đó, dù ngồi giữa phố thị xô bồ, chúng ta vẫn có thể đi theo Đỗ Mục lên đồi cao vào tiết Trùng Dương để “Cúc hoa tu sáp mãn đầu quy”, vì ta đã có hoa cúc trong chén rượu, và cảm nhận được rằng chung quanh chén rượu và bên trong chén rượu Hoàng hoa luôn đầy ắp sự nồng ấm của những mối giao tình.
Ơi Dương Châu ngàn dặm! Ơi cổ độ tà huy! Chén rượu hoa cúc màu vàng ta vừa cạn cùng nhau dù không phải tại chốn giang đầu, mà trong hồn vẫn nghe ra giai điệu liễu ru. Trong hơi rượu lâng lâng, trong tiếng đàn guitar rất nhẹ, dường như vang lên từ đâu đó tiếng vó câu cuốn bụi mờ, trong cõi mênh mang sương khói của Đường thi.
HUỲNH NGỌC CHIẾN
Hai câu thơ đẹp như một bức tranh thủy mạc. Chúng ta có thể thấy được hình ảnh một cánh cò cô lẻ bay trong ánh nắng chiều hôm, giữa cánh đồng mênh mông Nam Bộ; nhưng biết tìm đâu ra một dòng sông thu giữa miền Nam quanh năm chỉ có hai mùa mưa nắng? Sống ở miền Nam, nhất là ở giữa Sài Gòn, lòng người vẫn cứ nhớ thương hoài một cơn gió mùa đông, hay một cơn gió se lạnh của một ngày thu muộn.
Sống giữa lòng phố thị, đôi khi nhớ đến mùa thu xưa cũ, tôi vẫn luôn thích những câu thơ buồn thiết tha trong bài Thu ca (Chanson d'automne) của Paul Verlaine: “Les sanglots longs/Des violons/ De l'automne/ Blessent mon coeur/ D'une langueur/ Monotone” (Điệu vĩ cầm mùa thu/ Buồn như tiếng thở dài/ Khiến hồn tôi rướm máu/ Trong nỗi nhớ tàn phai).
Giữa Sài Gòn, dù không sao nhìn thấy được cảnh vật mùa thu, nhưng chúng ta vẫn có thể tưởng tượng được mùa thu qua một giai điệu vĩ cầm, trong một căn phòng yên tĩnh. Nhất là khi ngoài hiên chợt có một cơn mưa chiều đổ nhẹ. Ở thành phố lớn, nơi mà ngay cả vầng trăng cũng trở nên lạc lõng giữa những tòa nhà cao tầng, con người gần như bị cắt đứt hẳn với thiên nhiên. Thế nên người ta phải bày ra non bộ để làm thành sơn thủy, treo tranh tứ bình để tìm lại bốn mùa. Đó có lẽ cũng là cách nuôi dưỡng tinh thần để tâm hồn bớt đi sự chai sạn trước những khô cằn của cuộc sống thường ngày.
Nhưng lại có người không muốn tìm mùa thu qua tranh thủy mạc, qua tiếng vĩ cầm, mà tìm qua một loại rượu đặc trưng của tiết Trùng Dương: Hoàng hoa tửu! Đó là chủ quán trà Hiện quán. Ý của chủ nhân như muốn tìm lại một chút không khí Đường thi giữa chốn nắng bụi của Sài Gòn.
Thu ẩm Hoàng hoa tửu
Đông ngâm Bạch tuyết thi.
Ở Sài Gòn, không thể ngâm thơ bạch tuyết để nhớ mùa đông, nhưng có thể uống rượu Hoàng hoa uống để nhớ mùa thu cũ. Tôi đã đôi lần cùng bè bạn uống rượu Hoàng hoa với chủ quán trà Hiện quán. Là quán trà theo cung cách trà đạo, nhưng chúng tôi luôn được đãi loại rượu Hoàng hoa được chế biến rất công phu. Và lần nào chúng tôi cũng có những niềm vui thống ẩm cuồng ca, với một cây guitar cùng những giai điệu một thời vang bóng. Trong gian trà thất nho nhỏ ở một góc phố Trần Huy Liệu, nơi mà mọi sự xô bồ huyên náo đã bị chắn lại bởi một rèm trúc thưa, tay nâng chén rượu sóng sánh màu vàng hổ phách, dưới đáy chén là một đóa tiểu cúc vàng, ta vẫn có thể cảm nhận được hương vị mùa thu đang lắng chìm vào trong chén rượu. Vì màu vàng của hoa cúc, vì hương thơm nồng của rượu. Lúc đó, dù ngồi giữa phố thị xô bồ, chúng ta vẫn có thể đi theo Đỗ Mục lên đồi cao vào tiết Trùng Dương để “Cúc hoa tu sáp mãn đầu quy”, vì ta đã có hoa cúc trong chén rượu, và cảm nhận được rằng chung quanh chén rượu và bên trong chén rượu Hoàng hoa luôn đầy ắp sự nồng ấm của những mối giao tình.
Ơi Dương Châu ngàn dặm! Ơi cổ độ tà huy! Chén rượu hoa cúc màu vàng ta vừa cạn cùng nhau dù không phải tại chốn giang đầu, mà trong hồn vẫn nghe ra giai điệu liễu ru. Trong hơi rượu lâng lâng, trong tiếng đàn guitar rất nhẹ, dường như vang lên từ đâu đó tiếng vó câu cuốn bụi mờ, trong cõi mênh mang sương khói của Đường thi.
HUỲNH NGỌC CHIẾN
Comments
Post a Comment